Buông xả để chuyển hóa

Buông xả để chuyển hóa

Buông xả ở đây không phải là buông tha hay là chối bỏ chạy trốn cuộc đời, mà buông xả các tâm niệm xấu ác tổn người hại vật, tâm tham lam, oán giận, si mê.

 
Để chuyển hóa được nghiệp nhân xấu ác, chúng ta phải biết muốn ít biết đủ, đó chính là nếp sống thiền môn làm người tốt trong hiện tại và mai sau. Sống trên đời ta hãy nên khắt khe với chính mình, nhưng mà vẫn khoan dung độ lượng đối với người. Đây là cách sống của bậc trí giả.
 
buong.jpg
 
Con người sở dĩ đau khổ nhiều là do những thói quen cố chấp sau đây:
 
1- Quen phóng đại hạnh phúc của người khác mà mình chưa thấu rõ.
2- Thường phóng đại nỗi khổ niềm đau của bản thân mình và đồng hóa người khác.
3- Hay nhớ nghĩ tiếc nuối về quá khứ, quen mong cầu xa vời ở tương lai mà đánh mất chính mình trong hiện tại.
 
Phóng đại hạnh phúc của người khác thì sẽ luôn thấy mình thiếu thốn, bất hạnh, rồi từ đó sinh tự ti hoặc ghen tỵ, bất mãn, đồng thời khởi sinh tâm tham muốn chiếm đoạt.
 
Phóng đại nỗi khổ của bản thân thì khiến mình chìm đắm trong đau khổ, trầm cảm và bi quan với cuộc đời mà mất hết động lực vươn lên. Đa phần những nỗi khổ ấy đều không thực, chỉ tạm thời giả có; do chúng ta tưởng tượng mà sinh ra ám ảnh nên trở thành niềm đau ghim vào lòng. So sánh luôn luôn là khập khiễng và vô ích, nhất là khi so sánh mình với người, chỉ có hại mà chẳng có lợi chút nào. Khi so sánh thấy mình hơn người thì sinh tâm cống cao ngã mạn mà coi thường thiên hạ, thấy mình kém người thì tự ti mặc cảm, bất mãn chống đối.
 
Tất cả những nguyên nhân trên đều xuất phát từ việc không chịu buông xả tâm cố chấp của mình.
 
Sống trên đời, làm người không nên quá khắt khe, làm việc không cần quá cầu hoàn mỹ, có phước không hưởng hết, đối nhân xử thế nên lấy bao dung độ lượng làm trọng yếu. Điều đáng sợ nhất trên thế gian này chính là đánh mất đi lý trí, không tin nhân quả nghiệp báo, không tin lời Phật dạy, không tin khả năng của chính mình nên mới sống trong đau khổ lầm mê.
 
Đạo Phật dạy chúng ta làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, mình làm mình chịu, không ai có thể ban phước giáng họa hay sắp đặt số phận cho mình, gieo nhân thì gặt quả. Nhưng nhân quả không cố định và có thể thay đổi được tùy theo sự quyết tâm và ý chí tu tập. Rõ ràng, phước đức không phải tự nhiên mà có, đó là do chính bản thân ta phải ra sức đầu tư để làm các việc có lợi ích cho đời. Cũng giống như một khu vườn, nếu chúng ta không biết chăm sóc thì chẳng bao giờ hưởng được hương thơm quả ngọt.
 
Lúc chúng ta giúp đỡ người khác mà không hề nghĩ mình đang làm phước, ta chỉ làm với tâm không tính toán so đo, đó là ta biết cách đem lại phước báo vô lượng. Phước hữu lậu được ví như chúng ta đang gửi tiền tiết kiệm, có khả năng giúp ta giàu sang sung sướng, thỏa mãn vật chất đầy đủ.
 
Trong kinh A-hàm, Đức Phật dạy: “Chỉ có phước báo mới có thể chuyển hóa được nghiệp báo xấu”. Nghiệp xấu ác được ví như một nắm muối. Nếu chúng chúng ta bỏ nắm muối vào trong một tô nước thì nước sẽ mặn. Nếu bỏ nắm muối vào trong một lu nước thì vị mặn không còn. Tô nước, lu nước tượng trưng cho phước báo do chính họ tạo được ít hay nhiều sẽ giúp họ chuyển hóa bớt nghiệp xấu ác. Khi chúng ta làm được nhiều lợi ích cho người khác thì chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không.
 
Sống an vui hạnh phúc là sống biết đủ với những gì mình đang có, sống biết ơn và đền ơn cuộc đời. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi ta không lãng phí thời gian, không hối tiếc mà biết quay lại để làm chủ chính mình. 

 

Thích Đạo Như