Đó là HT.Thích Thanh Sơn, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Q.1, Trụ trì Tổ đình Vạn Thọ (Q.1, TP.HCM) và TT.Thích Huệ Công, Q.Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Q.8, Trưởng Ban Phật giáo người Hoa TP.HCM, Trưởng Ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ Q.8, Trụ trì chùa Long Hoa (Q.8, TP.HCM), là 2 gương mặt đại diện cho Phật giáo được đề cử tôn vinh trong Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ 2 -2020, diễn ra ngày mai 15-11 tại Hội trường Thành phố.
HT.Thích Thanh Sơn
Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2020), Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp, giới thiệu những công trình có giá trị ở các lĩnh vực, góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung và tại TP.HCM nói riêng.
Bước vào mùa hai năm 2020, giải thưởng dịp này được trao tặng đến 6 tập thể và 4 cá nhân tiêu biểu, trong đó, Phật giáo Thành phố được đề cử 2 vị giáo phẩm được tôn vinh tại hai giải thưởng nổi bật về “Sáng kiến tổ chức họp mặt chức sắc các tôn giáo nhân Đại lễ Phật đản” (HT.Thích Thanh Sơn) và “Các hoạt động vì người nghèo và Mô hình ‘Ngày hội vì dòng kênh xanh’” (TT.Thích Huệ Công).
TT.Thích Huệ Công trong chương trình thả cá xuống các dòng kênh ở Q.8
Tạo sự thấu hiểu và đoàn kết giữa các tôn giáo
Được biết, năm 2000, với vai trò Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Q.1, HT.Thích Thanh Sơn đã có sáng kiến đề xuất phối hợp với MTTQVN quận nhà, tổ chức họp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn Q.1 nhân dịp Đại lễ Phật đản. Từ đó đến nay, việc tổ chức họp mặt chức sắc các tôn giáo trên địa bàn quận luôn được duy trì, đã tạo được mối quan hệ gắn bó giữa lãnh đạo thành phố, Q.1, các phường với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn quận.
Thông qua các buổi họp mặt, những giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cũng phần nào được phát huy; góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó ổn định tình hình sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung. Đến nay, sáng kiến này đã và đang được nhân rộng thực hiện tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
HT.Thích Thanh Sơn và chức sắc tôn giáo bạn trong chương trình gặp gỡ các chức sắc tôn giáo nhân Đại lễ Phật đản
Ngoài ra, HT.Thích Thanh Sơn còn là người tổ chức thành lập phòng khám, chữa bệnh miễn phí cho những người bệnh về xương, khớp, không phân biệt giàu nghèo, tại chùa Vạn Thọ từ những năm 1980 và duy trì hiệu quả hoạt động hơn 40 năm qua. Tuy quy mô nơi thực hiện khám, chữa bệnh nằm trong khuôn viên chùa Vạn Thọ, nên còn hạn chế, song, người dân vẫn quen gọi là đây là “bệnh viện” của người nghèo.
Nỗ lực lan tỏa tinh thần từ bi đến cộng đồng
Năm 1996, Ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ Q.8 được thành lập với 28 thành viên, trải qua 8 nhiệm kỳ đến nay Ban Bảo trợ đã phát triển 138 thành viên. Với vai trò Trưởng ban, TT.Thích Huệ Công đã tổ chức hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của Ban Bảo trợ nên thu hút ngày càng nhiều các thành viên, trong đó gồm các vị nguyên lãnh đạo Q.8 đã nghỉ hưu, các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong đồng bào dân tộc người Hoa có tâm huyết với công tác từ thiện xã hội.
Bên cạnh đó, với cương vị là Trưởng ban Phật giáo người Hoa TP.HCM, Thượng tọa cũng đã phối hợp cùng Ban Từ thiện Báo Giác Ngộ, Ban Bảo trợ chùa Long Hoa, Báo Sài Gòn Giải Phóng, vận động các tự viện trên địa bàn các quận 5, 8 và các tự viện hệ phái Hoa tông ở nhiều địa phương khác cùng tham gia kêu gọi Phật tử, các vị mạnh thường quân, kiều bào và thân nhân kiều bào đóng góp, ủng hộ kinh phí để tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện. Qua đó, thiết thực chăm lo cho người khiếm thị, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Ước tính tổng kinh phí thực hiện cho công tác này trên 15 tỷ đồng/năm.
TT.Thích Huệ Công (áo nâu, đứng giữa) trong một lần tặng quà đến người nghèo
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, trong vai trò Trụ trì chùa Long Hoa, định kỳ vào ngày 19 ÂL hàng tháng, TT.Thích Huệ Công cũng đã chủ trì tổ chức thả từ 500 kg đến 1.000 kg cá xuống kênh Đôi và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nhằm cải thiện môi trường sinh thái. Đồng thời, chùa Long Hóa cũng phát loa tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, không xả rác thải xuống kênh, rạch…
Đến năm 2015, hưởng ứng lời kêu gọi thực hiện “Chương trình phối hợp Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Thượng tọa đã cùng UBMTTQVN Q.8 đề ra mô hình “Ngày hội vì dòng kênh xanh”, vận động đông đảo các vị chức sắc, Phật tử, cán bộ, đoàn viên, hội viên… tham gia hoạt động thả cá tại chùa Long Hoa vào dịp ngày Môi trường thế giới hằng năm.
Những việc làm của Thượng tọa trong thực hiện hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ vôi trường không chỉ góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tuyên truyền, vận động đồng bào, Phật tử trong đồng bào dân tộc người Hoa, kiều bào, thân nhân kiều bào, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương; mà còn tích cực lan tỏa tinh thần từ bi của đạo Phật đến với cộng đồng.
Giao Hảo/Báo Giác Ngộ