Gìn giữ Chánh pháp trụ thế lâu dài nhằm lợi ích chúng sinh là nhiệm vụ của các đệ tử Phật, nhất là hàng đệ tử xuất gia.
Hãy gieo duyên với Tăng-già có giới định tuệ để biết Pháp và được lợi ích lâu dài
Chánh pháp cũng như các pháp hữu vi khác, sau thời kỳ hưng thịnh thì cũng bị suy yếu dần và cuối cùng thì đi đến diệt tận. Hiện tại, có thể nói chúng ta đang ở trong thời Chánh pháp suy giảm, bị hao tổn, dù người tu còn nhiều và Tam tạng kinh điển vẫn đầy đủ.
Chánh pháp bị hao tổn không có nghĩa là kinh sách bị hủy hoại hay mất đi mà ngày càng ít dần người đệ tử Phật sống và tu tập đúng Chánh pháp, tăng trưởng giới định tuệ và ngày càng hiếm dần người thành tựu đạo quả giải thoát. Để góp phần phục hưng Chánh pháp, thoạt nghe cứ ngỡ là việc đại sự, to tát, khó làm mà kỳ thực chỉ thực hành những phận sự căn bản, bình thường. Chúng xuất gia và chúng tại gia hãy làm tròn bổn phận của mình chính là làm cho Chánh pháp tăng trưởng.
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo.
Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn: 1- Kính Phật. 2- Kính Pháp. 3- Kính Tăng. 4- Kính giới luật. 5- Kính thiền định. 6- Kính thuận cha mẹ. 7- Kính pháp không buông lung. Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng mãi không bị hao tổn”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
Kính Phật! Người đệ tử Phật có ai mà không kính Phật? Kỳ thật, không ít người tuy có tâm cung kính nhưng vì không hiểu Phật nên nhân danh phụng sự Ngài mà lại bất kính với Ngài. Muốn hiểu Phật thì phải học Pháp để biết Ngài đã tu gì mà thành Phật; để biết Phật dạy nên làm gì và không nên làm gì mới có giải thoát, an lạc và làm thế nào mới thực sự lợi ích chúng sinh.
Khi hiểu Pháp rồi thì tự nhiên chúng ta có ngọn đèn, có hải đảo tự thân để nương tựa. Người hiểu Pháp thì không thể lạc đường, không rơi vào tà kiến chấp thủ, tin và vui với con đường mình đang đi dần tới đích. Họ sống trong Pháp với niềm kính tin và biết ơn vô hạn.
Kính Tăng! Một số người tu bây giờ khiếm khuyết phạm hạnh, gây mất niềm tin nhưng họ là cá nhân chứ không phải chúng Tăng. Vẫn còn nhiều hội chúng Tăng-già thanh tịnh, vẫn còn các bậc Thánh hiền Tăng ở đời. Nên hãy gieo duyên với Tăng-già có giới định tuệ để biết Pháp và được lợi ích lâu dài.
Nhờ nương tựa vào Thánh giới cao quý mà mình có phẩm hạnh, được phước đức, tăng trưởng định tuệ. Sống trong sự bảo hộ của giới thì chắc chắn sẽ bình an và tiến đạo. Hiểu được như vậy thì chúng ta mới thực biết ơn và kính trọng giới luật.
Thiền định là cốt tủy của pháp hành trong đạo Phật. Nhờ có định mà tuệ phát sinh, xóa tan vô minh, thành tựu giải thoát. Có định là có an ổn, có định mới mong khai mở trí tuệ. Tu tập mà vượt qua được các chướng ngại tâm để thành tựu định là phước đức vô cùng.
Sở dĩ người tu buông lung là vì không vào định được. Khi không hướng nội và an trú định thì họ mới xu hướng và bám víu vào các giá trị bên ngoài. Không buông lung nhờ “pháp hỷ sung mãn”. Niềm vui và hỷ lạc nhờ an trú Pháp, nhờ thể nhập Bốn thiền khiến cho hành giả xả buông hết bên ngoài.
Kính thuận cha mẹ và tổ thầy là một trong những tâm hạnh căn bản của người tu. Cha mẹ và tổ thầy đã sinh ta ra trong đời và nuôi lớn ta trong đạo. Bất hiếu bất thuận với cha mẹ và tổ thầy thì đời tu của chúng ta bị phá sản. Khi ta tu tập không thành công thì chính ta góp phần làm cho Chánh pháp không tăng trưởng.
Vì thế, nếu mỗi người tu làm được bảy pháp này thì chắc chắn “làm cho Chánh pháp tăng trưởng mãi không bị hao tổn”.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ